Đọc sách cho trẻ Mầm non không phải là một khái niệm xa lạ, nhưng để thực hiện, duy trì và phát triển vẫn là một thử thách đối với các thầy cô giáo.
Với sự đồng hành của nhà tài trợ Acecook, Quỹ Bắc Cầu đã thực hiện thí điểm dự án “TRẺ YÊU ĐỌC” tại 4 điểm trường Mầm non thuộc huyện Kim Sơn – Ninh Bình.
Bước đầu thực hiện dự án mẫu, có rất nhiều khó khăn thử thách cho cả Quỹ Bắc Cầu và cho các cô giáo. Việc đọc sách theo hình thức “Đọc to nghe chung” vẫn còn khá mới lạ đối với các trường Mầm non tại các địa phương. Do đó, những buổi đọc mẫu, tương tác trực tiếp với trẻ của Quỹ Bắc Cầu đã khiến các cô hiểu rõ hơn về hình thức đọc này.
Buổi đọc sách cho nhóm trẻ lớp nhà trẻ
Với trẻ được đọc sách cho nghe hàng ngày, trẻ sẽ có những thói quen, sự tập trung nhất định. Tuy nhiên đối với trẻ chưa bao giờ được nghe đọc sách, các bé sẽ có nhiều trạng thái và tâm lý khác nhau. Có bạn cảm thấy chán vì phải ngồi im, có bạn lại tò mò, háo hức khi muốn khám phá những hình vẽ, những “hình chữ” trong sách.
Với việc đọc to nghe chung tại trường học cho độ tuổi lớp nhà trẻ và lớp mẫu giáo chúng tôi luôn khuyến khích các cô giáo thực hiện tùy theo quy định và mong muốn của thầy cô vì các bạn nhỏ đã quen với cô. Có thể ngồi ghế thành hình vòng cung, có thể ngồi thảm bệt so le nhau để không bị khuất tầm nhìn.
Điều duy nhất chúng tôi mong muốn các cô cùng thử nghiệm trong các buổi đọc đó là khuyến khích sự tương tác của các bạn nhỏ. Các hành động, câu nói của các bạn nhỏ khi tương tác với các cô chính là phản ứng tự nhiên của các bạn khi được hỏi, khi khám phá ra một điều gì đó và có mong muốn được nói ra. Việc để cho trẻ tương tác sẽ giúp cho trẻ thấy buổi đọc truyện là một tiết học vui, không thấy sợ sách, buổi đọc giống như một tiết ngoại khóa để khám phá nhừng điều mới lạ mà các cô mang tới.
Tương tác với trẻ bằng việc bắt chước các hành động trong sách khiến trẻ cảm thấy hấp dẫn.
Qua từng trang sách, các điều mới lạ mà cô giáo mang đến sẽ khuyến khích trí não, ngôn từ, âm thanh, hình ảnh, sự sáng tạo và kiến thức cho trẻ.
Khó khăn nhất trong việc đọc sách cho trẻ đó là duy trì thói quen, sự nhiệt tình của người đọc. Những bền bỉ hôm nay của thầy cô, của cha mẹ sẽ là gốc rễ để trẻ phát triển mai sau. Gốc rễ có bền chắc thì thân cây và cành lá mới phát triển tươi tốt.
Quỹ Bắc Cầu – 2023